When there is a will, there is a way
Có chí thì nên
Tác giả cuốn sách sinh ra tại một làng gần núi Ji Ri hẻo lánh ở Seang Chôn, quận San Cheong, tỉnh Kyung Sang.
Hồi tiểu học tôi đã gặp vấn đề về thứ bậc. Trong số 75 học sinh (của một khối), học lực của tôi luôn nằm trong số 10 học sinh bét sổ. Cho nên khi đó tôi là nỗi hổ thẹn của bố. Điều này trái ngược với trí tuệ khá thông minh của các anh chị em tôi. Đặc biệt là khi so sánh với cậu bên ngoại làm Hội trưởng hội sinh viên trường Đại học Seoul thì kẻ học hành không nên thân của tôi càng trở thành u nhọt của gia đình.
Tôi quen với việc chơi bời hơn học hành mà không biết khó khăn đang chờ đợi phía trước. Cho đến thời trung học tôi vẫn như vậy, luôn nằm trong top cuối của trường, học hành chậm tiến bộ và dường như không dành cho tôi. Đúng lúc này bố tôi qua đời khi vẫn còn trẻ vì bệnh xơ gan. Sau 6 năm chiến đấu với bệnh tật, bố tôi qua đời khiến cho cả gia đình trở nên túng quẫn không thể cứu vãn. Dù đau lòng vì cái chết của ba, nhưng mẹ tôi lập tức bị bao trùm bởi một mối lo khác là cái ăn cho các con. Vì vậy mà đứa con trai út trong gia đình 3 trai 2 gái là tôi được bà ngoại đón lên sống ở Seoul. Mục đích không phải là để cho tôi học hành mà là muốn giảm bớt một miệng ăn trong nhà. Năm đó tôi 16 tuổi. Thân hình tôi nhỏ con hơn tuổi thật, nhìn không giống học sinh lớp 9 chút nào mà như học sinh lớp 4 vậy. Sau khi đến nhà bà ngoại, cậu tôi, người đóng vai trò trụ cột kinh tế trong nhà bằng nghề gia sư lại bị kết tội chính trị khiến cho bà ngoại buộc phải đi làm giúp việc kiếm sống.
Khi đó dì tôi lại sắp xếp cho tôi vào làm việc ở Cheong Kye Cheon. Nơi đó là một xưởng làm thiết bị cấp nước nên tôi luôn phải mang vác nặng. Người khác thấy tôi còn nhỏ tuổi mà sáng sớm đã phải đến xưởng khuân vác cũng thấy ái ngại. Nhưng đó chưa phải chuyện đáng buồn nhất. Mỗi sáng sớm tôi phải bắt xe buýt tới xưởng, trên những chuyến xe đó tôi luôn nhìn thấy những đứa trẻ trạc tuổi mình mặc đồng phục thẳng thớm đi học, còn tôi thì mặc đồng phục lao động hướng tới xưởng. Khoảng cách thật quá lớn. Tôi cũng ghen tị lắm chứ. Đôi khi còn muốn khóc, tưởng mình sẽ không trụ được nữa. Những lúc đó tôi lại thấy hối hận vì khi bố tôi bảo tôi phải học hành tôi lại không nghe lời. Nhưng dù sao đó cũng là hồi ức quá xa xôi rồi. Giá như có thể một lần được mặc đồng phục giống như lũ trẻ kia… nỗi ghen tị đó dần trở thành ý chí kiên định trong lòng tôi. Rồi một ngày, tôi tình cờ nhìn thấy một mẩu quảng cáo tuyển sinh của một trường trung học nhỏ trên báo.
Mấy ngày sau đó tôi đều vui mừng và hồi hộp phát điên vì có thể tôi cũng sẽ được mặc đồng phục. Thế rồi tôi nói dối quản lý xưởng để đến trường học đó đăng ký. Tôi cũng nộp đơn vào một khóa học kỹ thuật buổi tối có chương trình học tương tự với công việc tôi làm ở xưởng thiết bị cấp nước. May mắn làm sao tôi lại lọt vào danh sách dự bị của lớp học buổi tối đó. Nhưng vì lòng tự trọng quá lớn nên tôi đã không nói với các đồng nghiệp ở xưởng là mình chỉ lọt danh sách dự bị, mà nói dối là qua vòng hồ sơ với tỷ lệ 1 chọi 2. Vào ngày thi, sau khi thi xong tôi lén lút một mình lên núi Nam San cả ngày. Ngày thông báo kết quả tôi cũng một mình leo núi Nam San rồi lại leo xuống. Cuối cùng cũng đến ngày nhập học, tôi được mặc đồng phục như mơ ước. Dù đồng phục của tôi cũng chẳng phải là đồ mới. Tôi tới ga số 8 của Cheong Kye Cheon mua một chiếc áo và một chiếc quần với giá 4000 won. Còn giầy học sinh (khi đó học sinh buộc phải đi giầy) thì tôi mua ở chợ đồ cũ chỉ với giá 2000 won.
Cuối cùng sau bao khó khăn tôi cũng được vào học lớp phổ thông buổi tối.
Ban ngày thì làm ở xưởng, buổi tối thì đến trường học. Dù chỉ là lớp học buổi tối nhưng giờ học cũng bắt đầu từ 6 giờ, nên khoảng 4 giờ tôi đã phải dừng công việc ở xưởng, rửa tay sạch sẽ để đi học. Nhưng chuyện không hề đơn giản. Vì xưởng không nhiều nhân viên nên tôi muốn đi học cũng phải khép nép vô cùng, quản lý xưởng là em ruột ông chủ cũng không phải người dễ tính, đương nhiên không thể dễ dàng để tôi đi học được. Mỗi khi đến giờ đi học, ông ta lại sai tôi làm việc vặt hoặc vẽ việc ra bắt tôi làm. Nếu như là trời mùa đông, tầm 5 giờ 30 mặt trời đã lặn thì tôi còn có thể xin phép, chứ vào mùa hè thì thực sự đi học vô cùng khó khăn. Đến 8 giờ tối trời vẫn còn sáng nên 4 giờ chiều là thời điểm nhiều việc nhất, không thể kiếm cớ gì được.
Nhưng vượt qua bao gian nan thì cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp được khóa học buổi tối đó. Khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi bất giác bật khóc. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành ước mơ tốt nghiệp trung học. Chà, tốt nghiệp trung học cơ đấy. Khi đó tôi nghĩ giờ mình có thể làm gì cũng được rồi. Dáng người nhỏ gầy không biết từ lúc nào cũng lên được chiều cao 170cm. Sau đó thì tôi nhận được giấy báo nhập ngũ. Sau khi nhận được giấy báo, thấy tôi mỗi ngày đều chơi đàn ghi ta, người mẹ cả đời vất vả bán quần áo ở chợ để lo cho các con mình học hành của tôi cũng phải ái ngại, mẹ nói tôi nếu có thời gian thì đừng chơi đàn mãi, đọc thêm chút sách vở đi. Thực ra khi đó, tôi đọc báo nhưng hoàn toàn không hiểu những từ tiếng Hán trong đó nên cũng cảm thấy bản thân thật kém cỏi và đáng xấu hổ. Tôi giống như lọt thỏm giữa các anh chị em học hành giỏi giang, tới mức tôi từng nghĩ rằng học hành là từ chỉ dành riêng cho các anh trai mà thôi.
Trường trung học tôi học không chú trọng dạy văn hóa mà chú trọng dạy nghề nên tiếng Trung hoàn hoàn không dạy, tiếng Anh thì chỉ dạy mỗi tuần một tiếng. Cho nên đương nhiên tôi không hề có căn bản. Dù tôi muốn học đi nữa cũng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi thấy bực bội. Sau đó tôi có đi hiệu sách và mua được một cuốn từ điển tiếng Trung. Tôi không tiếc tiền mua hết những cuốn sách có thể giúp tôi học từ Hán. Tôi cũng không cần căn bản gì hết. Tôi chỉ nghĩ rằng cứ học thuộc tất cả là được, và từ ngày hôm đó bắt đầu vừa viết vừa học thuộc tiếng Hán liên tục không ngừng trong khoảng 2-3 năm. Tôi bắt đầu tự tin vào tiếng Hán. Mỗi khi cầm một tờ báo, tôi đã có thể đọc một cách lưu loát chưa không còn mù chữ như trước kia, khiến tôi cảm thấy bản thân vô cùng xuất sắc. Từ lúc đó tôi càng thêm chăm chỉ học thuộc các thành ngữ Hán cổ. Mẹ tôi thấy đứa con trai nhỏ tuổi cứ mãi sống chết học tiếng Hán không có tương lai như thế lại thấy thương và khuyên tôi nên chuyển qua học một chút tiếng Anh cơ bản xem sao. Khi đó tôi những tưởng mấy năm chăm chỉ học tiếng Hán của mình sẽ được mẹ khen ngợi nên cứ học mãi học mãi, nên khi mẹ nói thế tôi cảm thấy như đang mắng mỏ mình vậy. Mẹ tôi đã vô tình khiến đứa con yếu đuối của bà tổn thương.
Từ đó tôi lại tiếp tục đau đầu nghĩ cách làm sao để học tiếng Anh, tôi lại đến hiệu sách mua một cuốn từ vựng tiếng Anh dành cho học sinh lớp 1 về. Sau đó tôi nhận lệnh chính thức nhập ngũ, và trong thời gian đó vẫn luôn khư khư cuốn sách này để học thuộc. Các đồng đội cùng nhập ngũ khi đó khi thấy tôi lâu cuốn sách từ vựng cho học sinh lớp 1 ra học thuộc thì luôn mỉa mai rằng “Cậu không thấy mất mặt sao?” nhưng tôi không hề để tâm, luôn tự nhủ câu thành ngữ Hán cổ “không ngại học hỏi kẻ dưới”. Việc học tiếng Anh của tôi cứ thế tiếp tục. Sau khi xuất ngũ, tôi làm thêm bằng nghề bán dâu tây, bán dưa hấu rồi sau đó lên Seoul làm lái xe cho một cửa hàng gỗ ốp, trong suốt thời gian đó những cuốn sách liên quan đến tiếng Anh vẫn không bao giờ rời tay. Có câu “Where there is a will, there is a way” (có chí thì nên), tôi bắt đầu nảy sinh một chút tự tin với tiếng Anh của mình.
Tôi đặt mua các báo tiếng Anh như Korea Times hay Korea Herald về đọc rồi học các từ vựng và mẫu câu trong đó. Trong lúc đó, các đồng nghiệp lái xe vẫn không ngừng trêu chọc và chế giễu tôi. “Thực ra mày cũng chỉ giả vờ đọc thôi phải không, chỉ đọc báo để ra oai thôi phải không?” là những câu họ thường nói. Những lúc như vậy tôi lựa chọn im lặng. Sau đó, có một ngày tôi đi cùng ông chủ cửa hàng đến giao gỗ ốp và gỗ xẻ cho một khách sạn. Lúc đó trùng hợp và giờ ăn trưa, ở công trường của khách sạn không có ai mà chỉ có đúng một đốc công người nước ngoài ở lại. Tôi cũng không hiểu sao lúc đó mình lại tiến tới hỏi đốc công người nước ngoài đó có nói được tiếng Anh không. Câu hỏi có nực cười không cơ chứ? Giống như hỏi người Hàn Quốc bạn có biết nói tiếng Hàn không vậy. Nhưng ông ấy lại không hề cười tôi mà trả lời rằng có nói được. Sau đó tôi bắt đầu giải thích rằng tôi đến từ một cửa hàng gỗ ốp và hỏi ông ấy nên để số hàng này ở đâu, ông ấy chỉ chỗ rồi bảo tôi mang gỗ để vào đó. Ông chủ của tôi nhìn thấy cảnh này thì không nói được một lời. Trước giờ ông ấy vẫn chỉ nghĩ tôi giỏi tiếng Hán chứ không ngờ tôi nói được cả tiếng Anh nên mới bị dọa thành như vậy.
Khi đó những nơi như là trung tâm ngoại ngữ còn rất xa lạ với người dân nên hiếm có ai có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh. Cuối cùng tin đồn lan ra khắp các cửa hàng gỗ ốp ở Seoul. Tôi trở thành lái xe ngôi sao chỉ trong một đêm. Nhưng tôi vẫn tiếp tục cuộc sống của mình, đi làm về thì đọc sách tiếng Anh. Sau đó, tôi tình cờ đọc được một quảng cáo đăng ký thi TOEFL trên một tờ báo tiếng Anh. Trên đó viết là do Viện phát triển giáo dục tổ chức thi. Tôi giấu các nhân viên khác ở chỗ làm viết đơn đăng ký rồi đi thi. Điều bất ngờ là tôi lại đạt điểm cao, đồng thời cũng đủ điểm để được nhà nước tài trợ đi du học.
Cuối cùng tôi được cấp visa và lên đường đi Mỹ du học. Hồi đó nói về chuyện du học ở Mỹ thì khó ai có thể tưởng tượng ra được. Phải nói thêm rằng đó là thời mà hộ chiếu còn được cấp rất sơ sài. Tôi trải qua cuộc sống vô cùng sống động ở Mỹ rồi trở về nước, nộp đơn đăng ký làm giảng viên bán thời gian vào một số trường đại học trong nước. Cuối cùng tôi cũng thành giảng viên đại học, hơn nữa còn là giảng viên của trường đại học Myung Moon danh tiếng nhất Hàn Quốc. Sau đó tôi chuyển qua làm giảng viên và trợ lý giáo sư khoa Anh văn cho một trường đại học ở địa phương, rồi nghỉ việc để viết sách. Tôi đã viết một số cuốn rồi. Rồi thì có một tòa soạn báo gọi điện tới, đề nghị tôi làm người bình. Đây chính là thời điểm tên tuổi tôi lần đầu tiên được truyền thông biết tới. Tôi đã xuất hiện trên những tờ báo như Cạnh tranh hàng ngày, nhật báo Joong Ang, Thể thao giải trí, Thế giới thể thao,… và trở nên khá nổi tiếng. Hiện giờ tôi đang phụ trách mục Survival English của Woo Bo Hyun trên báo Không gian thể thao và được rất nhiều độc giả theo dõi.
Câu nói mà tôi thích nhất là “There is no such thing as impossible”, nếu bạn mơ ước điều gì, hãy luôn tin rằng bạn sẽ đạt được nó. Trong từ điển của tôi không có từ “không thể”. Chỉ cần có ước mơ và tính nhẫn nại, ai cũng có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Tôi mong rằng cuốn sách này sẽ giúp ích càng nhiều càng tốt cho việc học tiếng Anh của các bạn, và mong rằng nó sẽ truyền được cho các bạn tình yêu với tiếng Anh.
Woo Bo Hyun