“HỌC TIẾNG ANH TẠI NƯỚC NGOÀI CÓ ĐẾN 95% THẤT BẠI”, WOO BO HYUN - NHÀ BÌNH LUẬN TIẾNG ANH TRÊN BÁO
Thay vì học từ vựng thì nên trau dồi câu/ Kim Doo Ho
[Phóng viên báo 365 Kim Doo Ho/ Ảnh: Jeong Kyong Mi] Theo chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Woo Bo Hyun: “95% người học tiếng Anh tại nước ngoài không đạt được hiệu quả mà còn lãng phí”, “So với học từ vựng thì ghi nhớ được câu mới có thể tạo nên đột phá trong việc học tiếng Anh”. Từ những năm 1990, ông đã hoạt động tích cực qua báo chí, truyền hình, xuất bản trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh. Ông còn là gia sư riêng cho các nghệ sĩ nổi tiếng. Chuyên ngành ông theo học tại Mỹ là tiếng Anh nhưng thật ra bằng ý chí tự học hỏi của mình, ông đã học tiếng Anh từ hồi còn nhỏ, và nó gần như là cả cuộc đời của ông.
Bí quyết học tốt tiếng Anh rốt cuộc là gì? Mặc dù chính phủ luôn chú trọng giáo dục Anh ngữ nhất nhưng từ rất lâu rồi, tất cả người học không phân biệt về tuổi tác đều nghĩ rằng du học và học tiếng Anh tại nước ngoài là điều cần thiết và chiến đấu hết mình vì nó. Nhưng vì lý do gì mà dù đã cố gắng rất nhiều nhưng tai vẫn không thể nghe, miệng cũng không thể nói được? Chúng tôi đã cùng chuyên gia giáo dục Anh ngữ Woo Bo Hyun trao đổi về trọng tâm của vấn đề làm thế nào để thông thạo được tiếng Anh.
Rốt cuộc tại sao tiếng Anh lại khó đến vậy? Ngay cả khi học xong đại học rồi nhưng miệng vẫn không thể nói được?
Đầu tiên, cần phải thay đổi suy nghĩ rằng chỉ cần học tốt ngữ pháp và từ vựng là có thể giỏi tiếng Anh. Đừng chỉ học từ thôi mà hãy học cả cụm, học cả câu mới mang lại hiệu quả tốt. Khi xem báo hay tạp chí, hãy ghi lại rồi học thuộc các câu văn hay. Học tiếng Anh qua phim ảnh, lời bài hát cũng hiệu quả lắm đấy. Thấy câu nào khó thì cứ tạm thời bỏ qua và học thuộc những câu thú vị trong phim, tục ngữ, châm ngôn v.v, như vậy mới dễ hiểu và vận dụng tiếng Anh tốt hơn, nhờ đó rút ngắn con đường học tập.
Mong ông có thể nói cụ thể hơn về phương pháp hoặc các ví dụ thực tế
Trong bộ phim “Die hard” có câu thoại “You can think what you want”. Một người dù học tiếng Anh rất nhiều nhưng đôi khi cũng không hiểu được câu thoại này. Nếu dịch sát nghĩa thì câu trên “Bạn có thể nghĩ điều bạn muốn”. Nhưng hàm ý thật sự của câu nói đó lại là “Thích tưởng tượng gì thì cứ việc”. Chính vì vậy mà chúng ta mới yếu về khả năng đối thoại thực tế hoặc sử dụng các quán dụng ngữ tiếng Anh. Tìm hiểu và học thuộc thật nhiều các cách diễn đạt chính là cách tốt nhất để khắc phục nhược điểm trên. Giả dụ muốn chuyển câu trên “Thích tưởng tượng gì thì cứ việc” sang tiếng Anh, ta bắt đầu dịch từ vựng trước, sẽ là “tưởng tượng (illusion)” và “cứ việc, tùy (freedom)”, như vậy sẽ khiến câu văn trở nên rất kì lạ.
Thời học sinh ai cũng muốn đi du học để nói tiếng Anh trôi chảy. Như thế thì cần phải học bao lâu mới có thể bắt kịp tiếng Anh bản địa?
Đối với những ai đi du học, có thể nói đó là một sự quyết tâm rất lớn. Nếu đi du học với mục đích là học tiếng Anh thì có đến 95% thất bại. Tuy vẫn có một số học sinh học rất chăm chỉ nhưng đại đa số sẽ bị giảm năng lực tập trung dẫn đến việc học không đạt được hiệu quả mà chỉ như đi du lịch rồi lại quay về. Trong 100 người thì chỉ khoảng 4 hoặc 5 người có thể thành công. Còn với các học học sinh đi du học dài hạn do không chuẩn bị ngôn ngữ trước khi đi nên vẫn có người mất đến 4 hoặc 5 năm chỉ để học các khóa đào tạo ngôn ngữ.
Vậy theo ông thì học tiếng Anh trong nước sẽ tốt hơn ra nước ngoài?
Đúng như vậy. Du học từ lúc 13 tuổi sẽ dễ dàng quen với tiếng bản địa nhưng cũng kéo theo một sự khó khăn nào đó. Đó không phải là do lưỡi đã cứng, không còn linh hoạt nữa đâu. Ở Seoul hay một số vùng, cha mẹ vì muốn con cái có thể học tốt tiếng Anh mà đã bắt con mình làm phẫu thuật lưỡi và khoang miệng, đó là một việc hết sức buồn cười. Tiếng Anh chỉ cần thường xuyên luyện tập và đảo lưỡi thật nhiều là có thể phát âm sành sỏi. Giả sử phương pháp trên có tác dụng đi nữa thì cũng chỉ là thời kì ban đầu, bắt đầu từ cấp hai, khi tuổi lớn tuổi thì lại càng trở nên khó thích ứng với tiếng Anh. Có những người lớn tuổi đã sống ở Mỹ 30 năm nhưng đại đa số tiếng Anh vẫn còn lóng ngóng và gặp khó khăn trong việc hiểu lẫn nhau. Thật sự mà nói, không học tiếng Anh thì cũng đâu có sao, nhưng trong số những du học sinh trẻ tuổi, rất nhiều người vì tiếng Anh mà bản thân trở nên tự ti hay tự kỉ khi bước trên một chặng đường mới. Trong số các giảng viên tiếng Anh nổi tiếng, có rất nhiều người chưa một lần đặt chân đến Mỹ vẫn xuất sắc hơn nhiều so với những người đi du học trở về.
Ông có thể nói cho mọi người biết làm thế nào mà ông trở thành một chuyên gia Anh ngữ không?
Tôi được sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo tại quận San Cheong dưới chân núi Ji Ri. Tôi vừa phải đi làm thêm bằng nghề đánh giày, giúp việc nhà, vừa tham gia lớp học buổi tối tại trường Trung học phổ thông dạy nghề. Khi nhập ngũ, tôi bắt đầu quan tâm đến tiếng Anh, tôi học từ vựng nhưng vẫn không thể nào nói được. Tình cờ tôi phát hiện ra một phương pháp đó là học thuộc nguyên vẹn các câu văn thú vị và từ đó hình thành nên thói quen lẩm bẩm đọc. Có thời gian tôi làm trong một cửa hàng gỗ ốp, lúc giao gỗ đến công trình xây dựng khách sạn Hilton, tại đó tôi đã gặp giám đốc người Mỹ. Tôi giao tiếp với ông ấy bằng những câu quen thuộc, chúng tôi hiểu đối phương nói gì và rồi tôi trở nên tự tin hơn. Bắt đầu từ đó, tôi tìm đến những người nước ngoài ở Iteakwon hay viện bảo tàng để va chạm giao tiếp tiếng Anh thực tế. Nhờ vậy mà đến năm 1986 tôi đạt được kết quả xuất sắc trong kì thi TOEFL, tôi giành được học bổng sang Mỹ du học bằng sự tài trợ của chính phủ.
Chuyên ngành của ông là Ngôn ngữ Anh hay Văn học Anh?
Tôi theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại trường đại học Washington ở Seattle. Sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn sống trên đất Mỹ và tôi làm DJ tại đại truyền hình, đảm nhận vai trò thông dịch cho FBI. Sau khi về nước, tôi tham gia công việc giảng dạy tại các trường đại học như Konkuk, Kyung Hee và đảm nhận vai trò giảng viên chuyên trách tại trường đại học Ulsan. Nhưng mà, trước những lời đề nghị đầy hấp dẫn của bạn bè, tôi rời khỏi trường đại học và mở trung tâm, bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Lúc ấy, vì luồng gió phong trào học tiếng Anh chưa sôi nổi, nhu cầu học chưa cao nên tôi đành ngưng lại. Sau đó là một khoảng thời gian rất khó khăn. Từ một người du học trở về rồi làm giảng viên đại học, bây giờ lại thành một kẻ thất nghiệp, lúc đó tôi thật sự cảm thấy xấu hổ với mẹ - người lúc nào cũng đặt hết hy vọng vào con trai của mình. Khi nhật báo JoongAng bắt đầu mở chuyên mục “Bản tin bằng tiếng Anh”, tôi có được một công việc mới. Tôi dạy tiếng Anh, phát ngôn đại diện cho khoảng 10 kênh truyền thông, chương trình TV, Radio, tin kinh tế mỗi ngày, thể thao Seoul,...
Tôi nhớ là ông có viết một quyển sách có tên “You must leave who studies hard” - quyển sách lấy những câu giao tiếp tiếng Anh làm trọng tâm. Ông đã viết bao nhiêu quyển sách nhỉ?
Tôi viết 7 quyển, như quyển Bobo’s Talkbox, Woo Bo Hyun’s Cinema English,… trong đó có một quyển tôi đã ký hợp đồng với một nhà xuất bản Trung Quốc vài ngày trước về việc phát hành sách bằng tiếng Trung. Phần lớn trong đó là đối thoại hoặc câu văn thông dụng nhất trong cuộc sống hằng ngày.
Bobo là tên tiếng Anh của ông?
Đây là tên tôi dùng vào khoảng thời gian làm việc với tư cách một MC tại đài truyền hình ở Mỹ, còn về tên tiếng Anh thì bay giờ tôi chưa muốn tiết lộ.
Tôi nghe nói ông còn làm gia sư tiếng Anh cho rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Vậy ông có thể cho mọi người biết hiện giờ ông đang dạy cho ai không?
Hiện tại tôi đang dạy cho vài người, bao gồm các ngôi sao hàng đầu cho đến các tài năng mới nổi. Tuy nhiên tôi không thể tiết lộ danh tín được, mong các bạn thông cảm.
Bobo- Woo Bo Hyun, người nói tiếng Anh còn thành thạo hơn cả tiếng mẹ đẻ, một người chỉ tốt nghiệp trường nghề và không biết gì ngoài những từ vựng đơn giản nhưng đến một ngày nọ, khi ông bắt đầu nói chuyện từng câu một bằng tiếng Anh với người Mỹ, điều đó đã khơi dậy sự tự tin và hứng thú của ông với ngôn ngữ này. Kể từ đó, số phận của chính bản thân ông đã thay đổi hoàn toàn. Ông là một biểu tượng chân chính của thời đại, đã khiến cho những người dù tốt nghiệp đại học nhưng vẫn không thể sử dụng tiếng Anh phải xuýt xoa ngưỡng mộ.

Nguồn: http://www.interview365.com/news/articleView.html?idxno=1106